PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG - LINH HỒN CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Cả dân tộc Việt Nam biết đến Người là một bậc quân vương anh minh của đất nước Đại Việt, cũng là một vị Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nói đúng hơn, Người là một vị “Vua Phật” của Việt Nam.
Trần Nhân Tông (1258 - 1308), cả dân tộc Việt Nam đều được biết đến Người là một bậc quân vương anh minh của đất nước Đại Việt, mà cũng là một vị Sơ Tổ của dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nói đúng hơn, Người là một vị “Vua Phật” của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là một bản hùng ca về trí tuệ, lòng yêu nước và tinh thần hướng đạo. Ở nơi con người ấy, chí xuất trần cao gấp vạn bội và con đường hướng thượng vẫn là quay gót trở về với chính mình.
Nếu tìm đọc các tài liệu về Người chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được một điều, lịch sử Việt Nam chú trọng nói về thời gian làm vua, tức “chất vua” của Người nhiều hơn; hoặc làm rõ hai giai đoạn làm vua và tu tập của người. Còn ở đây, chúng t sẽ hiểu sâu hơn về cả “chất Phật" trong Người ngay khi người còn niên thiếu hay khi Người lên ngôi trị vì đất nước. Việc tu tập và đưa đạo vào đời của Người vẫn chưa từng tách biệt hay dừng lại.
Có thể nói, Đức Trần Nhân Tông khi đang làm vua thì đã có “chất Phật” trong đó, và khi xuất gia tu hành làm Phật thì vẫn ẩn hiện “chất vua” của một vị minh quân thiên tử.
Thân thế và tuổi trẻ:
Sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258 tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định).
Tên húy là Trần Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Thái hậu.
Sinh ra trong gia đình hoàng tộc, Trần Nhân Tông sớm bộc lộ trí thông minh và lòng nhân ái. Người ham học hỏi, say mê Phật pháp và có chí hướng xuất gia.
Con đường trị vì:
Năm 1274, được lập làm Đông cung Thái tử. Tuy rằng ở ngôi vị của Thái tử và có cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng Trần Khâm luôn có chí hướng xuất gia theo Phật. Trần Khâm đã nhiều lần xin nhường ngôi Thái tử cho em là Tá Thiên vương Trần Đức Việp nhưng không được vua cha chấp thuận.
Có lần, Trần Khâm nhân đêm khuya vượt thành đi vào núi Yên Tử ẩn tu, đến chùa Tháp ở núi Đông Cứu thì trời sáng, ông đã thấm mệt nên vào nghỉ trong tháp. Vị tu sĩ ở chùa thấy ông có dung mạo phi thường bèn mời cơm. Sau Trần Thánh Tông và hoàng hậu biết tin, sai quan quân đi tìm và thỉnh cầu ông về kinh đô.
Sở dĩ Người lên ngôi là vì lòng hiếu kính, tuân lệnh của vua cha, giống như thái tử Tất-Đạt-Đa (Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) khi xưa vì hiếu thuận với vua Tịnh Phạn mà phải cưới công chúa Da-Du-Đà-La và sinh La-Hầu-La vậy. “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”, thế nên, một vị minh quân không thể không hiếu thảo được.
Không chỉ thông minh, Trần Khâm còn rất ham học hỏi, nghiên cứu sách vở Ngài thường hay bàn giải với các bậc chân tu và học tham thiền cùng Tuệ Trung Thượng Sĩ. Có lần Ngài hỏi Thượng Sĩ: “pháp yếu của Thiền Tông là gì?” Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời: “Phản quan tự kỷ, bất tùng tha đắc", tức là soi sáng tâm mình là bổn phận gốc, chứ không phải từ bên ngoài mình có được. Và sau đó, Ngài đã luôn áp dụng câu nói này, như là một pháp tu thiền của Ngài, và nó vẫn được lưu truyền cho đến nay trong môn phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Năm 1278, khi mới 20 tuổi, Trần Nhân Tông lên kế vị vua cha, là vị vua thứ ba của nhà Trần, trị vì 15 năm (1278-1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm (1293-1308). Tuy ở ngôi vị cửu ngũ trí tôn, nhưng Người vẫn ăn chay, giữ mình thanh tịnh để tu tập. Khi giặc Nguyên Mông đến xâm lược, Người phải gác lại việc kinh kệ để giữ gìn xã tắc.
Nhờ sự đoàn kết toàn dân và việc dùng người tài tình của Người, toàn quân và dân ta đã 2 lần chiến thắng quân xâm lược được cho là mạnh nhất lúc bấy giờ. Lịch sử thế giới đánh giá chiến thắng của ta lúc bấy giờ là chiến thắng thần kỳ và bất khả tư nghì. Và, dưới triều đại của Ngài, có hai cuộc hội nghị nổi tiếng, vô tiền khoáng hậu, đã được ghi vào sử sách. Đó là hội nghị các tướng lãnh ở Bình Than và hội nghị các bô lão trong cả nước ở Diên Hồng. Bởi Người biết áp dụng giáo lý đạo Phật vào công cuộc giữ nước, bình thiên hạ và lãnh hội được tinh thần “dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm” (lấy cái muốn của mọi người làm cái muốn của mình, lấy tâm của mọi người làm tâm của mình) của ông nội là vua Trần Thái Tông nên ta mới thấy sự dân chủ và bình đẳng của Người ngay trong thời đại phong kiến chuyên chế như vậy.
Chiến thắng này là công sức của toàn dân, toàn quân, những danh tướng hàng đầu như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão…Nhưng với tư cách là người tổng chỉ huy tối cao, nếu Trần Nhân Tông không phải là một người Vua hiền và tài đức, thì làm sao có thể quy tụ cũng như khiến những tướng lĩnh giỏi tin phục và tuân theo. Hơn thế nữa, Người cũng tự mình xông pha trận mạc, điều đó càng cho chúng ta thấy tầm cao của Người trong việc giữ nước.
Sẽ lại có câu hỏi đặt ra: Phải chăng Người huy động chiến tranh đó là không có “tâm Phật”, là phạm giới sát?
Bởi đây không phải là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà là cuộc chiến tranh chống xâm lược để giữ yên bờ cõi, bảo vệ sự bình yên của dân tộc và của nước Đại Việt ngàn đời sau. Đó chính là “sát nhứt miêu, cứu vạn thử”, chẳng phải tâm lượng của bậc trượng phu thì làm sao làm được như vậy.
Hơn nữa, đây là ý của toàn dân chứ không phải ý kiến chủ quan nơi Người. Ngày xưa, vua Lương Võ Đế ở Trung Quốc khi bị giặc Hầu Cảnh kéo quân vây thành Kiến Khang, quần thần xin vua cho đánh nhưng vua không cho, ra lệnh bế thành, tụng kinh cầu nguyện cho giặc lui. Kết quả giặc chẳng lui mà vua lại bị mất nước và giết chết.
Nếu xét hành động của vua Lương Võ Đế – một ông vua mộ đạo – thì có đúng với tinh thần tích cực nhập thế của Phật giáo không? Trái lại, vua Trần Nhân Tông biết lúc nào chưa cần đánh và lúc nào nên đánh mà vẫn không rời đạo lý. Đó là vì đã hiểu sâu được tinh thần uyển chuyển, sống động, nhập thế tích cực, “tuỳ duyên nhi bất biến, bất biến nhi tuỳ duyên” của đạo Phật.
“Sống thiền” chẳng phải là sống nơi rừng núi không người, không “tiếp duyên xúc cảnh”, mà “sống thiền” là sống giữa nơi “động” mà lòng luôn “bất động”. Kể cả lúc lâm triều, lúc ngồi trên yên ngựa vẫn gọi là “sống thiền” vậy!
Không chỉ như vậy, ta còn thấy rõ được chất “Phật" của Người thông qua sự từ bi của Người đối với giặc Nguyên Mông. Người vẫn luôn đem chí dung tâm để thay cường bạo, lấy đại hùng từ bi để chiến thắng hung tàn.
Trong lịch sử còn ghi lại: “Khi bộ tướng của Người chém được đầu Toa Đô đem đến dâng trước thuyền rồng, thương cho viên tướng giặc vì vô minh mà lâm vào tội ác đến nỗi chết không toàn thây, Người liền cởi áo bào đang mặc quẳng cho bọc thủ cấp của Toa Đô”.
Sẽ chẳng phải tự nhiên mà trong lịch sử chỉ duy nhất có Người được tôn xưng với danh hiệu “Vua Phật" như vậy. Ngay như lúc đang ngồi trên ngôi chín bệ, quyền uy tột bực mà Người vẫn biết rằng:
“Mình ngồi thành thị
Nết dùng sơn lâm
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.”
(Cư Trần Lạc Đạo Phú – hội thứ nhất)
Nếu chẳng phải một vị Phật hoá sinh thì được vậy chăng? Thế nên, khi Người làm vua thì cũng đã làm Phật rồi. Thử hỏi xưa nay được bao nhiêu vị vua như Người?
Người có viết một bài thơ như sau:
“Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa
Nhân khuấy bản nên ta tìm Bụt
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”.
Có thể nói rằng, lúc này, Người là “tướng vua” mà “chất Phật”. Một khi đã liễu hội được cái đó thì ngai vàng, áo mão còn có ý nghĩa gì đâu. Vậy nên:
“Áo mão, kim đai theo dòng nước
Chuông từ, mõ trúc, vọng chân không
Phật pháp vô biên, tâm vô lượng
Bồ đề thơm ngát, toả mười phương”.
Năm 1293, Người truyền ngôi lại cho Trần Anh Tông rồi đi xuất gia ở Vũ Lâm, Ninh Bình. Rũ sạch hết muôn vàn thế sự, lên núi ẩn tu, vậy có phải Người lánh đời, yếm thế chăng? Và “chất minh quân” của Ngài cũng chẳng còn sao?
Chẳng phải vậy! Bởi khi làm vua, Người đã thấm nhuần “chất Phật” và bây giờ xuất gia tu Phật, Người cũng vẫn còn “chất minh quân”, nhưng có điều khác là không phải biểu hiện “chất vua” đó trên khía cạnh chính trị, quốc gia thế sự mà biểu hiện trên khía cạnh đạo đức, nếp sống luân lý của toàn dân.
Đây là chỗ nhiều người hay nhầm lẫn nên chúng ta cần phải hiểu thông rành rẽ để tránh hiểu sai về con người của Người.
Trong 14 năm trị vì đất nước của Ngườii, Đại Việt ta đã trải qua rất nhiều biến động, nhưng cũng thể hiện rõ hào khí của dân tộc, một triều đại được lịch sử ghi nhất là anh minh, thái bình và thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến nước ta. Ngài đã lãnh đạo nước ta và đã đạt được những thành tựu to lớn:
Về quân sự: Thời gian ở ngôi vua, Người đã hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1287.
Về kinh tế: phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp
Về văn hóa: đề cao Phật giáo, Nho giáo, xây dựng nhiều trường học, phát triển văn học, nghệ thuật.
Về xã hội: ban hành nhiều chính sách nhân đạo, cải thiện đời sống cho người dân.
Trong thời kỳ làm vua, Người vẫn sống thanh tịnh trên tinh thần Phật giáo. Cũng nhờ có làm vua mà Người mới có thể áp dụng đạo Phật vào để giáo hoá toàn dân, đúng theo tư tưởng đưa đạo vào đời.
Vậy nên, gẫm lại gương Người mà chúng ta tự cảm thấy hổ thẹn. Ngườii là một vị vua ngồi trên chín bệ, phải lo cho quốc gia, cho thiên hạ với trăm mối ngổn ngang nhưng Ngài vẫn hiểu Đạo một cách sâu sắc và thấu đáo.
Còn như chúng ta đây có “trăm mối ngổn ngang” như Ngườii không mà lại than rằng không có thời gian để học đạo, tu đạo, gẫm xem có đúng hay chăng?
3. Xuất gia tu hành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm
Năm 1293, Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua, nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, và ở ngôi thái thượng hoàng dạy con trị vì đất nước trong 6 năm. Đến năm 1298 xuống tóc tu hành tại hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình và năm 1299 thì dời đến Yên Tử (Quảng Ninh), ngự tại am Ngự Dực. Ngài từ bỏ ngai vàng quyền lực, sự giàu sang phú quý tột đỉnh để tu tập, đó là sự đặc biệt ở Ngài, điều mà chúng ta mới thấy ở các vị Tổ như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay Bồ Đề tổ sư.
Ngài đã quyết chí tu hành với câu nói nổi tiếng “Ta đã trút bỏ ngôi vua như trút bỏ đôi giày rách”.
Ngài đã sáng lập nên Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu đà (mười hai điều khổ hạnh). Người còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu đà hay Giác hoàng Điều ngự.
Ngày nay, nếu đến Yên Tử chúng ta sẽ thấy hai câu đối tại Thiền viện Trúc Lâm:
“Thế Tôn lìa đông cung bỏ điện ngọc đến Bồ Đề thành chánh giác,
Giác Hoàng ở ngai vàng lìa ngôi báu lên Yên Tử dạy chúng tăng.”
Thế Tôn ở đây chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, còn giác hoàng chính là Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tuy khác nhau về thời điểm đi tu hành, nhưng Trần Nhân Tông được người dân Việt Nam tôn kính là một vị Phật Hoàng, vì Ngài đã hoàn thành trách nhiệm với non sông và đất nước, rồi sau đó từ bỏ ngôi vua để quay về với việc tu tập.
Thêm nữa, ta cũng học tập được tinh thần và ý chí quyết tâm khi đi tu của Ngài. Không dùng xe ngựa, không đi thuyền rồng chỉ đi bộ mà thôi. Vừa đi vừa tìm các thất trên các hang núi, tu khổ hạnh 5 năm trên núi, không giác ngộ thì không xuống núi.
Ngài là một vị vua, đi tu và thành Tổ, khai sáng ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Viêt Nam. Đây là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam chúng ta và được lưu truyền mãi đến bây giờ và sau này.
Thiền phái Trúc Lâm vừa tiếp thu nền tảng Phật giáo Nam Á và thiền Đông Độ, vừa sử dụng các giá trị văn hóa Việt Nam và khuyến khích Phật tử cống hiến cho xã hội trên nền tảng Từ bi – Trí tuệ của Phật pháp.
Cởi áo hoàng bào, khoác áo cà sa, Người vẫn để mắt theo dõi từng bước đi của triều đại, chăm chút đời sống tâm linh của muôn dân. Người không chỉ an cư tại Yên Tử, mà tự mình đi gõ cửa từng nhà dân để thuyết pháp kể cả ở thôn quê lẫn thành thị khuyên chúng dân làm lành lánh dữ, bài trừ các tập tục mê tín, dị đoan và tu dưỡng đức hạnh theo giáo pháp Thập thiện (mười điều thiện).
Tuỳ từng căn cơ thượng hạ mà Người truyền dạy pháp tu cho mọi người được an lạc nơi tự thân. Đó chẳng phải là tư cách của một bậc minh quân lo cho dân đó sao?
Thế nên, “chất Phật” và “chất vua” cùng tồn tại trong con người của Người qua mọi giai đoạn của cuộc đời, chỉ có điều là ứng với từng giai đoạn thì Người tuỳ duyên mà ứng hiện chất ấy đậm nét hơn thôi. Mặc dù vậy, thể tánh của Người lúc nào cũng lặng lẽ, rỗng rang, tự tại giữa dòng đời.
Qua bài “Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca”, ta có thể thấy hết được sự an nhiên tự tại phi phàm của Ngài, thật khó mà tả hết được:
“Kiếm chốn dưỡng thân
Vắng vẻ ngàn kia
Thân lòng hỷ xả
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa
Thờ phụng Phật trời”.
Tóm lại, Trần Nhân Tông là một vị vua hay một vị Phật đều như một, không khác, đều là một Bậc giác ngộ được lý thiền, tu hành giải thoát. Chúng ta học Người không phải nơi vua, cũng chẳng phải nơi Phật, mà là nơi sự giác ngộ, giải thoát của Người.
4. Viên tịch và sự tôn vinh
Phật hoàng nhập cõi Niết bàn vào ngày 14 tháng 12 năm 1308 (tức ngày 1 tháng 11 âm lịch theo Tam Tổ thực lục và Thánh đăng ngữ lục) hưởng dương 51 tuổi, được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng (nay thuộc tỉnh Thái Bình), xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân. Thánh đăng ngữ lục đã tường thuật về cuộc đối thoại cuối cùng giữa Người (Điều Ngự) với thị giả Bảo Sát:
"Ngày mùng một tháng mười một, nửa đêm sao trời sáng tỏ, Điều Ngự hỏi: Hiện giờ là giờ gì? Bảo Sát thưa: Giờ Tý.
Điều Ngự đưa tay mở cánh cửa sổ nhìn ra bảo: Chính là giờ ta đi! Bảo Sát hỏi: Tôn Đức đi đâu? Điều Ngự đáp:
Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt,
Nếu hay hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Nào có đến đi gì?"
“Đại Việt sử ký toàn thư” của các sử gia thời Hậu Lê nhận định về Trần Nhân Tông: “Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần”.
Trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, phần Văn tịch chí, danh sĩ thời Nguyễn Phan Huy Chú có nhận xét về nhà vua-tu sĩ Trần Nhân Tông:
“
Tính vua nhân từ, có trí lược, thương dân, ơn huệ cố kết lòng dân. Đời vua, quân Nguyên hai lần xâm phạm. Vua chọn tướng, rèn quân rồi bình được giặc lớn. Cái công trùng hưng rực rỡ hơn trước. Sau khi nhường ngôi, vua lưu tâm kinh điển nhà Phật, xây am Thiên Kiến, đúc đỉnh Phổ Minh, thờ Phật rất chăm. Về sau đi tu ở núi Yên Tử rồi mất ở am Ngọa Vân.
”
— Lịch triều hiến chương loại chí
5. Các tác phẩm
Không chỉ nổi tiếng là một vị vua anh minh, tài ba mà Trần Nhân Tông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà Phật học lỗi lạc. Nổi tiếng nhất là bài:
Cư trần lạc đạo phú
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Bản dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền.
Có báu trong nhà thôi tìm kiếm,
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.
Cùng rất nhiều các tác phẩm khác như: "Thiền tông chỉ nam", "Chú giải kinh Pháp hoa", Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (Ngữ lục về trùng độc thiết chủy trong rừng Thiền), Tăng già toái sự (Chuyện vụn vặt của sư tăng)...Các tác phẩm là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảm quan triết học và cảm quan thế sự, có tinh thần lạc quan, yêu đời, tấm lòng vị tha của một nhân cách cỡ lớn và sự rung động tinh tế, lòng yêu tự do thích thảng của một nhà nghệ sĩ.
Ngày xưa, Ấn Độ có một vị thái tử xuất gia tu thành Phật, thì Việt Nam lại có một vị vua đi tu thành Tổ, khai sinh ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam.
Đây là niềm tự hào cho cả dân tộc Việt Nam nói chung và cho Phật Giáo Việt Nam nói riêng đối với các nước bạn. Gương sáng của Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông vẫn truyền mãi cho ngàn đời sau biết về một vị “Vua Phật Việt Nam”.
“Được làm vua chăn dân trăm họ
Được làm Phật cứu độ muôn loài
Ngạn cổ ngàn xưa đâu có sai
Vua Trần đã hoá thành Vua Phật
Tây Phương kề cận Phật Như Lai”.
(Vua Phật – Hoàng Quang Thuận)